Giới Thiệu Chung
Chức năng và nhiệm vụ của trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp trường cao đẳng công thương Tp.HCM
CHỨC NĂNG:
Tên gọi chính thức: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp.
Trung tâm HTSV&QHDN là một đơn vị hành chánh trực thuộc Ban giám hiệu; được thành lập bởi quyết định của hiệu trưởng.Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp được thành lập để thực hiện, phối hợp các Trưởng đơn vị trực thuộc nhà trường chỉ đạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ người học, xây dựng mối quan hệ hợp tác và quan hệ khách hàng 2 chiều với các doanh nghiệp theo những kế hoạch đã được nhà trường phê chuẩn. Tùy theo yêu cầu thực tế của nhà trường vào từng giai đoạn, chức năng hỗ trợ sinh viên và hợp tác doanh nghiệp sẽ được bổ sung, điều chỉnh với sự tham mưu của trung tâm và sự phê duyệt của Ban giám hiệu nhà trường. Trong giai đoạn đầu, để thực hiện chức năng hỗ trợ người học, trung tâm tham mưu cho trường và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu của nhà trường.
NHIỆM VỤ:
Về hoạt động hỗ trợ sinh viên:
Hỗ trợ sinh viên tiếp cận các nguồn học bổng; các nguồn tài trợ từ xã hội, từ doanh nghiệp cho học viên; hỗ trợ việc tìm kiếm việc làm bán thời gian trong thời gian học để tăng cường kỹ năng thực hành nghề nghiệp và có thêm tài chính; hỗ trợ xúc tiến tìm việc làm sau khi tốt nghiệp; theo dõi và kết nối cựu sinh viên với trường để xây dựng kênh thông tin hai chiều (nhà trường- xã hội) nhằm gắn chương trình, phương pháp và hoạt động đào tạo của trường với nhu cầu thực tế của xã hội. Hỗ trợ sinh viên tìm chỗ ở giá rẻ; phối hợp Ban quản lý ký túc xá trong các hoạt động ngoại trú và nội trú cho sinh viên. Phát triển các hoạt động có thu (theo phân cấp của trường bằng văn bản) để tăng thêm quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp các khoa, phòng tổ chức các hoạt động giáo dục chuyên đề, các lớp đào tạo kỹ năng bổ trợ cho sinh viên năm cuối như: tập huấn hồ sơ xin việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước công chúng, kỹ năng làm việc tập thể…nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho sinh viên ra trường có ngay việc làm phù hợp. Tổ chức các hoạt động khác có liên quan để hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần cho sinh viên. Khảo sát việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và phản hồi của xã hội về chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu của trường; tham mưu để nhà trường có những điều chỉnh hợp lý về trương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, định hướng phát triển ngắn hạn, trung và dài hạn… Hỗ trợ Đoàn trường, Hội sinh viên tìm giải pháp nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu khoa học cho HSSV.
Về hoạt động hợp tác doanh nghiệp:
Lên kế hoạch cấp trường, triển khai tổ chức cho các khoa, phòng thực hiện các hoạt động tìm hiểu, tiếp xúc, làm quen, giao lưu, tự giới thiệu tiềm năng và khả năng hợp tác, cung ứng dịch vụ lẫn nhau…để phát triển hệ thống các doanh nghiệp thân hữu với nhà trường; theo dõi thực hiện chức năng này ở cấp khoa, phòng trong toàn trường để kết nối nhà trường với doanh nghiệp. Thông qua hệ thống các mối quan hệ giữa trường và doanh nghiệp, giữa trường và các cơ quan, tổ chức kinh tế – xã hội khác, nắm bắt nhu cầu thực tế đang diễn ra của xã hội với nhiều hình thức nhằm kiến nghị, tham mưu cho nhà trường những chính sách phù hợp; mời cán bộ, chuyên gia của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia giảng dạy từng phần hoặc cả môn học, báo cáo chuyên đề cho HSSV; tập huấn kỹ năng bổ trợ, thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp cho HSSV; tổ chức cho HSSV học tập từng phần tiến đến cả môn ở một số môn học giai đoạn chuyên ngành tại doanh nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với hệ thống các mối quan hệ doanh nghiệp đã có từ cấp trường đến cấp khoa, phòng để bảo đảm việc thực tập tốt nghiệp cho HSSV năm cuối. Tích cực phát triển các mối quan hệ doanh nghiệp cả trong và ngoài thành phố để ngoài những nhiệm vụ trên, vận động doanh nghiệp giải quyết chỗ thực tập cho người học, hỗ trợ học bổng cho sinh viên, học sinh, tặng cho và hỗ trợ phương tiện học tập các loại…
Đẩy mạnh khai thác các quan hệ với doanh nghiệp để làm đầu mối triển khai cho các khoa, phòng tổ chức thực hiện các lớp đào tạo theo địa chỉ; đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương từ bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, đào tạo lại chuyên môn, kỹ năng phục vụ lực lượng lao động đang trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp.
Các hoạt động khác:
Phối hợp các phòng, ban chức năng để giúp đỡ, hỗ trợ (khi có yêu cầu) trong công tác sinh viên, học sinh nhằm giúp họ giải quyết những băn khoăn, vướng mắc về quyền và nghĩa vụ trong học tập tại trường, tư vấn hướng nghiệp, tham gia hoặc phối hợp (khi có yêu cầu hoặc sự phân công trực tiếp của nhà trường) để tổ chức các cuộc gặp gỡ đối thoại về các chính sách hỗ trợ sinh viên, tham gia tổ chức sự kiện cho nhà trường…. nhằm bồi dưỡng kỹ năng sống cho sinh viên góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo của trường.
Có trách nhiệm thực hiện các công việc hỗ trợ sinh viên- học sinh khác để đảm bảo người học được chăm lo từ đầu vào đến đầu ra (Ví dụ: các công việc có tính định hướng nghề nghiệp cho học sinh đầu vào như mời doanh nghiệp vào hướng nghiệp, giới thiệu về ngành nghề và đặc thù ngành nghề… trong quá trình học; các công việc có tính xúc tiến việc làm đầu ra và các hoạt động khác như chức năng của một Trung tâm nghề nghiệp sinh viên.